Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hố Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, đồng thời nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta”.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đại hội IX của Đảng (tháng 4 năm 2001) xác định tư tưởng Hồ Chí Minh gồm: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…
Trong giai đoạn hiện nay, để “tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần tập trung nghiên cứu, quán triệt nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong 6 nhóm vấn đề: về con đường của cách mạng Việt Nam; về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về nhân dân; đại đoàn kết toàn dân tộc, về xây dựng văn hóa và con người, về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; về xây dựng Đảng.
Trong tuần này Đảng ủy Công ty đăng tải nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong 1 nhóm vấn đề: “về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” trong phần I: Tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ.
1.1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ:
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa “dân là chủ”; đối lập với quan niệm “quan chủ”, thể hiện bản chất trong cấu tạo quyền lực của xã hội. Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ…Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Xã hội nào đảm bảo cho điều đó được thực thi thì đó là một xã hội thực sự dân chủ.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân”, nhân dân thực sự là ông chủ tối cao của chế độ mới. Người viết: “chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”. Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, “nước ta là nước dân chủ, mọi người có quyền làm, có quyền nói”. “Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân”.
Trong quan hệ giữa dân và Đảng, Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân. Dân chủ trong xã hội Việt Nam được thể hiện trên tất cả những lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước,
Hồ Chí Minh coi dân chủ thể hiện ở việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Dân chủ không dừng lại với tư cách như là một thiết chế xã hội của một quốc gia, mà còn có ý nghĩa biểu thị mối quan hệ quốc tế, hòa bình giữa các dân tộc. Đó là dân chủ, bình đẳng trong mọi tổ chức quốc tế, là nguyên tắc ứng xủ trong các quan hệ quốc tế.
1.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ.
a) xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ rộng rãi.
Ngay từ năm 1941, trong Chương trình của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), Hồ Chí Minh đã “thiết kế” một chế độ dân chủ cộng hòa cho nước ta sau khi cuộc cách mạng do nhân dân thực hiện thắng lợi. Đó là chương trình thực hiện mục tiêu dân chủ, xác định rõ quyền và trách nhiệm của nhân dân trước vận mệnh của nước nhà; gắn độc lập, tự do của Tổ quốc với quyền lợi của từng người dân.
Ngay sau khi thành lập nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng và ban hành bản Hiến pháp mới. Hiến pháp năm 1946 đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc thực hiện quyền lực của nhân dân. Điều đó thể hiện rõ ở Chương II Hiến pháp năm 1946 gồm 18 điều quy định về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Điều 6 ghi rõ: “Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
b) Xây dựng các tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh để đảm bảo dân chủ trong xã hội.
Trong việc xây dựng nên dân chủ ở Việt nam, Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xây dựng mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước; xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi khác của nhân dân.
Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là có đảm bảo và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới đảm bảo được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để đảm bảo tính chất dân chủ của xã hội. Dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
2.1 về nhà nước pháp quyền.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền có những nội dung: Nhà nước của dân, nhà nước do dân và nhà nước vì dân.
Nhà nước của dân là tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Nhân dân lao động làm chủ nhà nước tất yếu dẫn đến hệ quả là nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước. Cử tri bầu ra các đại biểu, ủy quyền cho các đại biểu đó bàn và quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh.
Nhà nước do dân là nhà nước do dân tạo ra và nhân dân tham gia quản lý. Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm ghé vai gánh vác một phần”.
Nhà nước vì dân là nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu. Tất cả đều vì lợi ích của nhân dân; ngoài ra, không có bất cứ một lợi ích nào khác. Một nhà nước vì dân là từ Chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đầy tớ cho nhân dân. Mọi công chức, từ nhân viên đến Chủ tịch nước đều do dân ủy thác cho và phải phục vụ cho nhân dân.
2.2. về bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước.
Nhà nước bao giờ và ở đâu cũng mang bản chất của một giai cấp nhất định.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhà nước Việt Nam mới là một Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, thể hiện qua các quan đểm sau:
- Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
- Nhà nước bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước.
- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ.
2.3. Về xây dựng nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ.
Hoạt động quản lý nhà nước bằng hiến pháp, pháp luật và chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống. Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thấy pháp luật. Vì Pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải đảm bảo cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo đảm được việc thực thi quyền lực của nhân dân. Người khẳng định vai trò của pháp luật là: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”. Người có công lớn trong sự nghiệp lập hiến, lập pháp của nước ta. Người luôn chăm lo hệ thống pháp luật. Ở cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và 1959), đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.
Hồ Chí Minh thường chỉ rõ những tiêu cực và nhắc nhở mọi người đề phòng và khắc phục những tệ nạn trong bộ máy nhà nước: Đặc quyền, đặc lợi; tham ô, lãng phí, quan liêu; tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…
Người yêu cầu tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp.
Để bảo đảm công bằng và dân chủ trong việc tuyển dụng các cán bộ Nhà nước, Người Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Bản quy chế công chức nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
“Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “pháp trị” và “đức trị-nhân trị”, trong đó “pháp trị” rất nghiêm khắc, công minh và “đức trị-nhân trị” cũng rất tình người, bao dung, thấu tình đạt lý. Trong Quốc lệnh do Người ban hành ngày 26/01/1946, đã đưa ra 10 điều khen thưởng (đức trị) và 10 hình phạt (pháp trị). Trong 10 điều khen thưởng, Điều 3 “ai vì nước huy sinh sẽ được thưởng”, Điều 5 “ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng”, Điều 6 “ai làm việc gì có lợi ích cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng”. Trong 10 điều hình phạt, Điều 1 “Thông với giặc, phản đế quốc sẽ bị xủ tử”, Điều 6 “để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử”, Điều 8 “trộm cắp của công sẽ bị xử tử”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức và tài. Những yêu cầu của người đối với đội ngũ cán bộ, công chức, bao gồm:
- Tuyệt đối trung thành với cách mạng.
- Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.
- Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân.
- Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm nhất là trong những tình huống khó khăn, “thắng không kiêu, bại không nản”.
Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, luôn luôn có ý thức và hành động về sự lớn mạnh, trong sạch của Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá; là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.