Cách đây vừa tròn 55 năm tại công trường thủy điện Thác Bà, Liên trạm cơ giới là tiền thân của Công ty cổ phần Sông Đà 9 được thành lập. Trải qua bao công trình trọng điểm của đất nước như Nhà máy Giấy Bãi Bằng, dệt Minh Phương, thủy điện Hòa Bình, Ialy, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Cần Đơn, đường Hồ Chí Minh, thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Xekaman 3 và Xekaman 1, thủy điện Nậm nghiệp 1 (nước CHDCND Lào), dự án nhiệt điện Mông Dương 2… Đến nay Công ty cổ phần Sông Đà 9 đã đứng vững trên thị trường xây dựng Việt Nam.
Ra đời và phát triển từ thủy điện Thác Bà
Từ một đội cơ giới tổng hợp, lực lượng chủ yếu tuyển chọn từ thanh niên xung phong, bộ đội chuyển ngành và lực lượng xây dựng ở các địa phương, đơn vị đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng và tổ chức thi công công trình.
Ngày 05/8/1964, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Cty đã nhanh chóng chuyển sang chế độ thời chiến vừa thi công, vừa chiến đấu chống các đợt oanh tạc của không quân Mỹ. Có lúc đã phải dừng thi công, lực lượng phải sơ tán vào rừng. Những năm tháng khó khăn, thiếu thốn mọi bề ấy không làm chùn bước những người thợ cơ giới.
Ngày 22/02/1970, lần đầu tiên chặn dòng sông Chảy, góp phần hoàn thành tiến độ khởi động các tổ máy thủy điện Thác Bà. Sau khi tham gia khắc phục xong toàn bộ nhà máy do bị giặc Mỹ ném bom, Liên trạm cơ giới tiếp tục nhận nhiệm vụ san lấp mặt bằng Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Khu liên hợp dệt Minh Phương, Nhà máy ắc quy Lâm Thao, Nhà máy thuốc kháng sinh Việt Trì…
Vững vàng từ thủy điện Hòa Bình
Tháng 3/1975, Liên trạm cơ giới tách làm hai: Một nửa nhập vào Cty xây dựng Việt Trì, một nửa về tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình. Từ đây Cty Thi công cơ giới được hình thành. Vừa chạy nhanh theo tiến độ, vừa phát triển lực lượng. Từ một xí nghiệp cơ giới, đến cuối năm 1982 Cty đã có lực lượng lên tới 5.000 người cùng các máy móc chuyên dùng.
Sau sự kiện ngăn sông Đà thắng lợi vào ngày 10/01/1983 là một khối lượng khổng lồ công việc cho chống lũ. Không lúc nào ngừng nghỉ, con người Thi công cơ giới bằng ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết đã chiến thắng. Năm 1986, ngăn sông Đà đợt hai, Cty lại bước vào chạy đua chống lũ. CBCNV ngày đêm bám sát hiện trường, không quản ngày đêm, nắng mưa, giá rét với quyết tâm “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Khẩu hiệu hành động “Cao độ 81 hay là chết” đã thôi thúc người thợ cơ giới hoàn thành tiến độ vào tháng 6/1986. Thủy điện Hòa Bình đã trở thành một trường đào tạo lớn để Cty có một đội ngũ thợ lành nghề, cán bộ quản lý giỏi sau Sông Đà bước vào xây dựng các công trình sau này.
Vượt khó giai đoạn hậu thủy điện
Khi tổ máy 1 của Thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động cũng là lúc khối lượng công việc bị suy giảm. Không để đôi chân được ngừng nghỉ, Cty đã mở rộng phạm vi hoạt động, tìm kiếm công việc mới: Sửa chữa sân tiêu năng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, khai thác quặng pirit tại mỏ Thanh Sơn, làm đường Vĩnh Lạc, đắp đê sông Đuống, sông Hồng, đắp đập nước Kỳ Anh, khai thác than tại Quảng Ninh, tham gia xây dựng đường dây 500KV từ Hòa Bình đi Mãn Đức…
Năm 1993, TCty Sông Đà được giao xây dựng thủy điện Ialy. Tiếp tục chuyển quân vào Gia Lai, những người thợ cơ giới lại đối mặt với khó khăn mới, công trường nằm trong vùng chiến sự ác liệt thời chiến tranh, bom, mìn, chất độc hóa học rải rác khắp nơi. Ngày 26/12/1995 ngăn sông Sêsan xong, Cty bước vào chiến dịch 540 ngày đêm với mục tiêu hoàn thành đập dâng, phục vụ cho khởi động tổ máy số 1.
Năm 1999, công trình thủy điện Ialy kết thúc phần thi công cơ giới. Phát huy truyền thống luôn vượt khó khăn, CBCNV lại bươn trải tìm kiếm việc làm. Hàng loạt hạng mục thi công đã mở ra: Kênh xả thủy điện Hàm Thuận, đường QL1 đoạn Thường Tín - Cầu Giẽ, đường QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Ninh, đường vào khu lọc dầu Dung Quất, đập thủy điện Sông Hinh, mặt bằng và các hạng mục của thủy điện Cần Đơn. Thi công các công trình thủy điện Ri Ninh 2, Sê San 3, Sê San 3A, đường Hồ Chí Minh, thủy điện Na Hang, đầu tư và xây dựng thủy điện Nậm Mu.
Đổi mới để hội nhập và phát triển
Đây là giai đoạn Thủy điện Cần Đơn hoàn thành đập dâng nước, Nhà máy Thủy điện Nậm Mu phát điện, đường Hồ Chí Minh đoạn Alưới - Atép được bàn giao đúng thời hạn. Thủy điện Sê San 3 ngăn sông trước kế hoạch 6 tháng. Ngăn sông Gâm, chinh phục dòng sông thứ 5, sau đó nhanh chóng hoàn thành đập dâng phục vụ phát điện tại thủy điện Tuyên Quang.
Thi công thủy điện Ialy.
Một loạt các công trình khác như thủy điện Xê Ka Man 3, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, Huội Quảng và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác như nhà máy chế biến quặng đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên), Sông Đà 9 liên tục đạt và vượt tiến độ thi công. Đặc biệt là, hoàn thành các đập dâng nước tại thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu theo công nghệ bê tông đầm lăn vượt trước tiến độ, góp phần đưa thủy điện Sơn La phát điện sớm hai năm, thủy điện Lai Châu phát điện sớm một năm so với kế hoạch.
Việc trúng thầu và hoàn thành thi công xây dựng bãi thải xỉ 2 thuộc dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 do Tập đoàn AES Hoa Kỳ đầu tư, theo hình thức EPC thực hiện trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm, thi công và vận hành chạy thử là một bước tiến mới trong quá trình thực hiện chiến lược SXKD của Cty. Qua dự án này Cty CP Sông Đà 9 trở thành DN mạnh về tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC các công trình hạ tầng kỹ thuật bằng cơ giới.
Từ trong gian khó, trải qua nhiều lần đổi tên, Liên trạm cơ giới ngày nào đã phát triển thành Cty CP Sông Đà 9 trưởng thành về mọi mặt từ nguồn lực con người đến năng lực thi công, khâu tổ chức và đổi mới DN, công tác đầu tư cũng như chất lượng công trình. Bước vào thời kỳ mới, bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn, thách thức mới, CBCNV Cty CP Sông Đà 9 xác định con đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tập thể lãnh đạo Cty mong muốn luôn phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, đoàn kết, nỗ lực hết mình trong lao động sản xuất, để xây dựng Cty CP Sông Đà 9 ngày càng phát triển vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.